VCCA

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức Toạ đàm “Luật Cạnh tranh năm 2018 và vấn đề thực thi trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” tại TP. Hồ Chí Minh

21/06/2021

Buổi Tọa đàm có sự tham dự của bà Trần Phương Lan – Trưởng phòng Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Ông Phùng Văn Thành – Phó Trưởng phòng Phòng Điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bà Hoàng Thanh Bình – Cán bộ Văn phòng Dự án Aus4Reform, bà Hà Thị Thanh Bình – Trưởng khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật TP.HCM, các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật cạnh tranh, đã tham gia công tác xây dựng Luật Cạnh tranh 2018, tham gia đàm phán, ký kết, thực hiện các FTAs thế hệ mới cùng với các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan báo chí truyền thông.

Tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật cạnh tranh và sinh viên trường Đại học Luật TP.HCM

Trong các hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia ký kết như CPTPP, EVFTA, RCEP,…hay các FTAs thế hệ mới mà Việt Nam đang chuẩn bị đàm phán ký kết như Hiệp định giữa Việt Nam và UK, Việt Nam – Mexico… đều có các nội dung cam kết về chính sách cạnh tranh. Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Bà Trần Phương Lan – Trưởng phòng Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đặt vấn đề: liệu rằng các quy định của pháp luật cạnh tranh hiện hành đã phù hợp với những cam kết về cạnh tranh trong các FTAs thế hệ mới hay chưa, việc thực thi các quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018 có đặt ra những thách thức, trở ngại nào trong bối cảnh FTAs thế hệ mới này hay không? 

Bà Trần Phương Lan – Trưởng phòng Phòng Kiểm soát Tập trung Kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phát biểu khai mạc Tọa đàm

Đồng phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Hà Thị Thanh Bình – Trưởng khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật TP.HCM nhấn mạnh cùng với các cam kết quốc tế,việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2018, bao gồm việc kiểm soát hành vi tập trung kinh tế thực hiện ngoài lãnh thổ nhưng có tác động, ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh tại Việt Nam đặt ra các thách thức lớn cho việc thực thi Luật Cạnh tranh 2018. Tọa đàm này vì vậy là một diễn đàn hữu ích để các chuyên gia, những người nghiên cứu và giảng dạy Luật Canh trạnh trao đổi, thảo luận để hiểu và vận dụng đúng các quy định của Luật Cạnh tranh 2018 và các văn bản hướng dẫn.

Nội dung buổi Tọa đàm là những trao đổi, chia sẻ và cách nhìn nhận, đánh giá các các chuyên gia về những điểm mới của Luật Cạnh tranh 2008 so với Luật Cạnh tranh năm 2004, cụ thể là các nội dung về mở rộng đối tượng áp dụng, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế với các ngưỡng thông báo tập trung kinh tế cũng như các chế tài đối với việc không thông báo tập trung kinh tế. Tọa đàm còn đề cập đến những nội dung hết sức mới mẻ và phong phú về các chính sách cạnh tranh trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã và đang tham gia, đặc biệt là Hiệp định CPTPP vừa mới ký kết với nhưng nội dung xoay quanh doanh nghiệp nhà nước và độc quyền chỉ định…

Chủ tọa Tọa đàm (từ trái sang): Bà Trần Phương Lan – Trưởng phòng Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng; PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình – Trưởng khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật TP.HCM

Phần thảo luận của buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến mang tính thực tiễn và ứng dụng cao của các khách mời như liên quan đến việc xác định chủ thể thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm; chính sách khoan hồng đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; mối quan hệ giữa chế tài hành chính và chế tài hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh; vấn đề xử lý và giải quyết khiếu nại đối với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong việc ban hành các hướng dẫn để xử lý các hành vi vi phạm các quy định pháp luật cạnh tranh, vấn đề “thị trường sản phẩm liên quan” và “thị trường địa lý liên quan” khi xác định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế áp dụng cho các hành vi tập trung kinh tế thực hiện ở nước ngoài; các khó khăn và thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…

Kết thúc Tọa đàm, bà Hà Thị Thanh Bình đã thay mặt tất cả giảng viên và sinh viên của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh gửi lời cảm ơn đến Dự án Aus4Reform, các cán bộ của Cục Cạnh tranh cũng như các chuyên gia được mời đến thuyết trình tại Tọa đàm và mong muốn tiếp tục có cơ hội hợp tác với Dự án và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cùng các chuyên gia cạnh tranh tổ chức các hoạt động hội thảo, tọa đàm khoa học trong những năm tiếp theo.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Trong những năm gần đây, thị trường xuất hiện một loại hình kinh doanh mới – đó là cung cấp các gói dịch vụ nghỉ dưỡng định kỳ hàng năm tại các khu nghỉ dưỡng, chủ sở hữu kỳ nghỉ có quyền sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định và có thể chia sẻ sản phẩm hoặc trao đổi dịch vụ